Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

CÙNG SUY NGẪM:Về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

CÙNG SUY NGẪM:Về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
văn hóa việt nam trong thời kỳ hội nhập


Xin chữ và cho chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa được duy trì từ lâu tại Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối, thuộc xã Tân Thành (Phú Bình). Ảnh Hồng Tâm.
Xin chữ và cho chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa được duy trì từ lâu tại Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối, thuộc xã Tân Thành (Phú Bình). Ảnh Hồng Tâm.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có điều kiện và cơ hội để phát triển, song cũng đứng trước không ít nguy cơ, thách thức mới; đặc biệt là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa, trong môi trường mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng ta về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" vừa được ban hành trên cơ sở kế thừa những thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế và đời sống xã hội.


Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI lần này nêu rõ đòi hỏi trước tiên là phải xây dựng chiến lược con người, vì con người là trung tâm phát triển văn hóa. Con người tham gia xây dựng và làm phong phú thêm nền văn hóa. Và chính văn hóa lại là môi trường loại bỏ "phần con", dung dưỡng "chất người" trong từng cá nhân và toàn xã hội. Con người Việt Nam sẽ là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam và họ chính là người thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, trực tiếp tham gia giữ gìn bản sắc riêng có của dân tộc mình qua mỗi thế hệ. Xây dựng và phát triển văn hóa trong Nghị quyết được nhấn mạnh vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nghị quyết đã tiếp tục khẳng định quan điểm: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học", một nền văn hóa phong phú đã và đang tiếp tục đóng góp cho nhân loại không ít di sản văn hóa; nổi bật là 8 di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đã được UNESCO công nhận, đặc biệt là tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại thi hào Nguyễn Du là những danh nhân văn hóa thế giới.
Giá trị con người Việt Nam được định vị từ cội nguồn dân tộc mà thang giá trị cao nhất là lòng yêu nước. Lòng yêu nước đó được gắn chặt với lòng tự tôn, tự cường dân tộc; gắn kết cá nhân với gia đình, làng xã, Tổ quốc; gắn kết với các đức tính nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; bằng đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động vì sự phồn vinh của đất nước. Có thể khẳng định, nội lực của nền văn hóa chính là con người. "Cây văn hóa" có rễ bám sâu vào cuộc sống, vào lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước thì "gốc" mới bền, "cành lá" mới sum suê và "hoa" mới đậu thành "trái" ngọt. Quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu trọng yếu trong việc xây dựng nền tảng tinh thần đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XI chỉ rõ.
Văn hóa luôn nằm trong quá trình hiện đại hóa và trở thành sức sống mãnh liệt của cả dân tộc. Văn hóa dân tộc giao lưu với văn hóa nhân loại, tiếp thu những cái "chân - thiện - mỹ" của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa dân tộc mình. Giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa kế thừa, vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú thêm nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và "tinh hoa" ở đây cũng phải hiểu trên cơ sở kế thừa chứ không phải là bất biến. Song, chúng ta cũng phải hết sức thận trọng, bản lĩnh và tỉnh táo bởi trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia, khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghệ thông tin. Internet - thành tựu của nhân loại được ví như con dao hai lưỡi; cùng với những ưu việt của Internet, các sản phẩm phi văn hóa cũng dễ dàng thâm nhập và đe dọa việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI với hành trang văn hóa và văn minh đa dạng, phong phú. Thiết nghĩ, trong quá trình hội nhập hiện nay, những người làm công tác đối ngoại văn hóa, nhất là những người chịu trách nhiệm về giao lưu, hội nhập văn hóa cần phải hiểu sâu sắc hơn, thấm nhuần hơn tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ của nền văn hóa nước nhà. Để hội nhập kinh tế, đội ngũ doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những hoạt động kinh tế mà họ cần trở thành những "doanh nhân văn hóa". Đây là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, đóng góp đáng kể trong công tác ngoại giao nhân dân và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, việc trang bị cho họ hiểu biết đầy đủ kiến thức về văn hóa nước nhà là hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những nội dung cấp thiết cần quan tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết.
Để có thể hòa mình vào quá trình hội nhập, mỗi chúng ta hãy tự giác rèn luyện, trau dồi văn hóa dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa thời đại, nhanh nhạy trong nhận thức, chuyển biến kịp thời về tư duy, nhất là tư duy văn hóa, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã đề ra./.
Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét